Chung Lữ truyền đạo tập

 Lữ tổ toàn thư tu chân truyền đạo tập tiểu tự

“Khí bản diên niên Dược, Tâm vi sử Khí Thần, năng tri hành Khí chủ, tiện thị đắc tiên nhân-Khí vốn là thuốc kéo dài tuổi thọ, Tâm để khiến Khí Thần, giỏi biết hành Khí chủ, liền được là Tiên nhân”.

Luận chân tiên đệ nhất

Nhân sinh mà muốn tránh luân hồi, không nhập vào thân xác của loài khác, thì hãy thường để thân này không có bệnh, lão, tử, khổ, đỉnh thiên lập địa, phụ Âm bão Dương mà thành người. Làm người không để thành quỷ, trong loài người lại tu mà thành Tiên, trong các Tiên thì bay lên Trời.

Tiên có ngũ đẳng, Pháp có tam thành. Tu trì thì tại người, mà công thành thì tùy phận vậy.

Pháp có tam thành là tiểu thành, trung thành, đại thành. Tiên có ngũ đẳng là Quỷ Tiên, Nhân Tiên, Địa Tiên, Thần Tiên, Thiên Tiên khong cùng loại. Quỷ Tiên không xa Quỷ, Nhân Tiên không xa người, Địa Tiên không xa Đất, Thần Tiên không xa Thần, Thiên Tiên không xa Trời.

Quỷ Tiên siêu thoát từ trong Âm, Thần Tượng không rõ, ở Quỷ Quan thì không có họ, ở Tam Sơn thì không có tên. Tuy chẳng phải luân hồi, cũng khó về Bồng Doanh. Cuối cùng chẳng có chỗ về, chỉ có đầu thai mượn xác mà thôi.

Là người tu trì, không hiểu Đại Đạo, mà muốn tốc thành. Hình như cây khô, Tâm như tro lạnh, Thần Thức nội thủ, kiên trì không tán. Trong định mà xuất Âm Thần, là Thanh Linh Chi Quỷ, không phải là Thuần Dương Chi Tiên. Vì là kiên trì Âm Linh không tán, nên gọi là Quỷ Tiên. Tuy gọi là Tiên, kì thực là Quỷ.

Nhân Tiên là kẻ sĩ tu chân, không hiểu Đại Đạo, trong Đạo đắc được một pháp, trong pháp đắc được một thuật, tín tâm khổ chí, suốt đời không đổi. Khí của Ngũ Hành, giao nhầm hội nhầm, hình chất cũng vững chắc, dịch bệnh của bát tà không thể làm hại, khỏe mạnh ít bệnh, nên gọi là Nhân Tiên.

Là người tu trì, mới đầu cũng có thể được nghe Đại Đạo. Nhưng nghiệt trọng phúc bạc, các thứ khó khăn dần làm biến đổi tâm chí ban đầu, chỉ dừng ở tiểu thành thì có công hiệu, suốt đời không thể thay đổi, bốn mùa không thể biến cải.

Địa Tiên không hiểu Đại Đạo, chỉ dừng ở phép tiểu thành, chỉ có thể trường sinh trụ thế, mà bất tử ở nhân gian vậy.

Mới đầu thì theo cái lí Trời Đất thăng giáng, lấy giữ số sinh thành của Nhật Nguyệt.

Trong thân dùng năm tháng, trong ngày dùng giờ khắc.

Đầu tiên cần biết Long Hổ, tiếp đó cần phối Khảm Li.

Luận rõ nguồn nước trong đục, phân biệt khí hậu sớm muộn.

Thu Chân Nhất, khảo sát Nhị Nghi, liệt kê Tam Tài, phân Tứ Tượng, biệt Ngũ Vận, định Lục Khí, tụ Thất Bảo, sắp xếp Bát Quái, hành qua Cửu Châu.

Ngũ Hành điên đảo, Khí truyền theo cách tử mẫu-mẹ con mà Dịch hành theo đường phu phụ-vợ chồng. Tam Điền phản phục, thiêu thành Đan Dược, vĩnh viễn trấn Hạ Điền, luyện hình trụ thế mà được trường sinh bất tử, thành Lục Địa Thần Tiên, nên gọi Địa Tiên.

Thần Tiên là Địa Tiên dụng công không ngừng, quan tiết nối liền, rút Diên thêm Hống mà Kim Tinh luyện Đỉnh. Ngọc Dịch Hoàn Đan, luyện hình thành Khí mà Ngũ Khí Triều Nguyên. Tam Dương Tụ Đỉnh, công mãn vong hình, Thai Tiên tự hóa. Âm tận Dương thuần, thân ngoại hữu thân. Thoát chất thăng Tiên, siêu phàm nhập thánh. Tạ tuyệt trần tục mà về Tam Sơn, mới gọi là Thần Tiên.

Thiên Tiên là  Địa Tiên chán ở trần thế, dụng công không ngừng, mà đắc siêu thoát, mới gọi là Thần Tiên. Thần Tiên chán ở Tam Đảo mà truyền đạo ở nhân gian, có công với đạo, mà có hạnh với nhân gian, công hành mãn túc, thụ Thiên Thư mà về Động Thiên, gọi là Thiên Tiên.

Nhân Tiên không ngoài tiểu thành pháp, Địa Tiên không ngoài trung thành pháp, Thần Tiên không ngoài đại thành pháp. Dụng pháp cầu Đạo, Đạo vốn không khó. Dùng Đạo để cầu Tiên, thì thành Tiên cũng rất dễ.

Pháp không hợp Đạo, nghe nhiều biết nhiều, tiểu pháp bàng môn, không tránh được tật bệnh, tử vong, vì thế gọi là Thi Giải, mê hoặc thế nhân, đề cử lẫn nhau, dẫn đến không được nghe Đại Đạo. Tuy có người tín tâm khổ chí, hành trì dài lâu, nhưng đến cuối cùng vẫn không thành công, dần vào suối vàng.

Luận Đại Đạo đệ nhị

Đầu tiên là học Đạo, tiếp đó là có Đạo, tiếp đó là đắc Đạo, tiếp đó là Đạo thành, rồi từ trần thế vào Bồng Đảo. Nay kẻ sĩ phụng đạo trên đời, chỉ có cái danh hiếu Đạo, nghe Đại Đạo, mà không có lòng tin, tuy có lòng tin mà không cố gắng, sáng làm chiều đổi, ngồi cái là liền quên. Bắt đầu thì chăm chỉ, cuối cùng thì lười nhác. Vì thế ta nói Đại Đạo khó biết, khó thi hành.

Đạo vốn không hỏi, hỏi thì không đáp. Đến khi Chân Nguyên phân chia, Thái Phác đã tản ra. Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam. Nhất là thể, nhị là dụng, tam là tạo hóa. Thể dụng không ngoài Âm Dương, tạo hóa đều do giao cấu. Thượng, trung, hạ liệt ra Tam Tài. Thiên, địa, nhân cộng thành Nhất Đạo. Đạo sinh Nhị Khí, Khí sinh Tam Tài, Tam Tài sinh Ngũ Hành, Ngũ Hành sinh vạn vật. Trong vạn vật thì con người là tối linh, tối quý. Duy có người là có thể suy đến cùng cái lí của vạn vật, tận được tính của mình. Cùng lí, tận Tính cho đến Mệnh, toàn mệnh, bảo sinh mà hợp với Đạo, nên kiên cố bằng Trời Đất, mà cùng được trường cửu.

Luận Đại Đạo đệ tam

Cơ của Trời Đất là Trời Đất vận dụng Đại Đạo, mà qua lại lên xuống, hành trì không mỏi mệt, thì được trường cửu kiên cố. 

Đại Đạo đã phân mà hữu hình, vì hình mà có số. Trời đắc Càn Đạo, lấy nhất làm thể, trong nhẹ mà ở trên, cái dụng là Dương. Đất đắc Khôn Đạo, lấy nhị làm thể, nặng đục mà ở dưới, cái dụng là Âm. Dương thăng Âm giáng, giao hợp lẫn nhau. Càn Khôn tác dụng, không sai với Đạo. Mà bắt đầu thì có thời điểm, công hiệu thì có ngày. 

Đạo của Trời lấy Càn làm thể, lấy Dương làm dụng, tích khí bên trên. Đạo của Đất lấy Khôn làm thể, lấy Âm làm dụng, tích thủy ở bên dưới. Việc hành Đạo của Trời là dùng Càn yêu cầu Khôn. Một lần yêu cầu thì thành trưởng nam, trưởng nam gọi là Chấn. Yêu cầu tiếp thì thành trung nam, trung nam gọi là Khảm. Yêu cầu lần thứ ba thì thành thiếu nam, thiếu nam gọi là Cấn. Đây là Trời giao với Đất, dùng Càn Đạo yêu cầu Khôn Đạo mà sinh Tam Dương. Đến lúc Đất thi hành Đạo, dùng Khôn yêu cầu Càn. Một lần yêu cầu thì thành trưởng nữ, trưởng nữ gọi là Tốn. Yêu cầu tiếp thì thành trung nữ, trung nữ gọi là Li. Yêu cầu lần ba thì thành thiếu nữ, thiếu nữ gọi là Đoài. Đây là Đất giao với Trời, dùng Khôn Đạo yêu cầu Càn Đạo mà sinh Tam Âm.

Tam Dương giao hợp với Tam Âm mà vạn vật sinh, Tam Âm giao hợp với Tam Dương mà vạn vật thành. Trời Đất giao hợp, vốn dùng Càn Khôn yêu cầu nhau mà vận hành Đạo. Càn Khôn yêu cầu nhau mà sinh Lục Khí, Lục Khí giao hợp mà phân Ngũ Hành, Ngũ Hành giao hợp mà sinh thành vạn vật. Lúc Càn Đạo đi xuống, ba lần yêu cầu là xong, Dương đó lại đi lên, trong Dương tàng Âm, quay về đến Trời. Khôn Đạo đi lên, ba lần yêu cầu là xong, Âm đó lại giáng, trong Âm tàng Dương, xuống về đến Đất.

Trong Dương tàng Âm, thì Âm đó không tiêu, mới gọi là Chân Âm. Chân Âm đến Trời, vì Dương mà sinh, vì vậy khi Âm từ Trời đi xuống, trong Âm có thể không có Dương sao?

Trong Âm tàng Dương, Dương đó không diệt, mới gọi là Chân Dương. Chân Dương đến Đất, vì Âm mà phát, vì vậy khi Dương từ Đất đi lên, trong Dương có thể không có Âm sao?

Trong Dương tàng Âm, thì Âm đó không tiêu, mà quay về Đất. Trong Âm tàng Dương, Dương đó không diệt, mà quay về Trời. Chu nhi phục thủy[9] vận hành không ngừng. Giao hợp không sai với Đạo, vì thế mà trường cửu kiên cố là như vậy.

Đại Đạo vô hình, vì có kẻ đắc được mà thành hình. Đại Đạo vô danh, vì có kẻ có được mà thành danh. Trời Đất được nó mà gọi là Càn Khôn Chi Đạo. Nhật Nguyệt được nó mà gọi là Âm Dương Đạo. Con người được nó: ở triều đình thì gọi là quân thần đạo, ở khuê môn thì gọi là phu phụ đạo, ở xóm làng thì gọi là trưởng ấu đạo, ở trường học thì gọi là bằng hữu đạo, ở nhà thì gọi là phụ tử đạo. Đó là xem xét ơ bên ngoài, không ai không có Đạo vậy.

Đến khi cha mẹ giao hội, cha thì Dương đến trước mà Âm đến sau, lấy Chân Khí tiếp Chân Thủy, Tâm Hỏa với Thận Thủy tương giao, luyện thành tinh hoa. Tinh hoa đã xuất, gặp Âm của mẹ, thì Thủy đến trước, bồng bềnh ở nơi vô dụng. Gặp Dương của mẹ, thì Huyết đến trước, mà vào ở trước Tử Cung. Tinh Huyết thành bào thai, bao hàm Chân Khí mà vào Tử Cung của mẹ. Ngày tháng dài lâu, Chân Khí tạo hóa thành người, như Trời Đất hành Đạo, Càn Khôn yêu cầu nhau, mà sinh Tam Âm Tam Dương.

Chân Khí là Dương, Chân Thủy là Âm. Dương tàng trong Thủy, Âm tàng trong Khí. Khí chủ về bay lên, trong Khí có Chân Thủy. Thủy chủ về hạ xuống, trong Thủy có Chân Khí. Chân Thủy là Chân Âm, Chân Khí là Chân Dương vậy.

Chân Dương theo Thủy đi xuống, như Càn yêu cầu Khôn: thượng gọi là Chấn, trung gọi là Khảm, hạ gọi là Cấn. Lấy người để so, lấy ở giữa là hạn độ, từ trên đi xuống, Chấn là Can, Khảm là Thận, Cấn là Bàng Quang.

Chân Âm theo Khí đi lên, như Khôn yêu cầu Càn: hạ gọi là Tốn, trung gọi là Li, thượng gọi là Đoài. Lấy người để so, lấy ở giữa là hạn độ, từ dưới đi lên, Tốn là Đảm, Li là Tâm, Đoái là Phế.

Hình tượng đã đủ, số đủ thì rời mẹ. Sau khi sinh ra, Nguyên Dương tại Thận. Nhân Nguyên Dương mà sinh Chân Khí, thì Chân Khí triều Tâm. Nhân Chân Khí mà sinh Chân Dịch, thì Chân Dịch hoàn nguyên. Lên xuống qua lại, nếu như không hao tổn, thì tự có thể kéo dài tuổi thọ. Nếu biết thời hậu không sai, trừu thiêm có mức độ, thì tự có thể trường sinh. Nếu tạo tác không mệt mỏi, tu trì không ngừng, thì Âm tận Dương thuần, tự có thể siêu phàm nhập thánh. Đây là cái lí Thiên Cơ thâm tạo, là cái việc từ xưa đến nay không truyền.

Nếu anh có lòng tin mà không do dự, coi lợi danh như gông xiềng, coi ân ái như kẻ giặc, tránh tật bệnh như sợ cái nạn tử vong, đề phòng mất thân vào xác lạ, lo bị thấu linh vào loài khác. Để mình có chí thanh tịnh, để lấp đi nguồn căn của nó, không để tẩu thất Nguyên Dương, hao tán Chân Khí. Khí thịnh thì trong Hồn không có Âm, Dương tráng thì trong Phách có Khí. Một thăng một giáng, giữ pháp không ra ngoài Trời Đất. Một thịnh một suy, qua lại cũng giống như Nhật Nguyệt.

 Luận Nhật Nguyệt đệ tứ

Đại Đạo vô hình mà sinh dục Trời Đất. Đại Đạo vô danh mà vận hành Nhật Nguyệt. Nhật Nguyệt là Tinh của Thái Âm, Thái Dương, là phép tắc ngầm của mức độ Trời Đất giao hợp, trợ giúp thi hành công việc sinh thành vạn vật.

Đông Tây mọc lặn mà phân ngày đêm. Nam Bắc qua lại mà định lạnh nóng. Ngày đêm không ngừng, nóng lạnh xô nhau mà trong Phách sinh Hồn, trong Hồn sinh Phách. Tiến thoái có thời, không sai với số của Càn Khôn. Qua lại có mức độ, không sai với hạn kì của Trời Đất.

Lúc hỗn độn mới phân, Huyền Hoàng định vị. Hình dáng của Trời Đất giống như quả trứng. Bên trong lục hợp, hình tròn như quả cầu. Nhật Nguyệt-mặt trời mặt trăng lên xuống, vận hành bên trên Trời, bên dưới Đất. Mọc lặn Đông Tây, vòng quang như bánh xe.

Phàm lúc mặt trời đã mọc ở phương Đông mà chưa xuống ở phương Tây thì là ban ngày, lúc mặt trời đã xuống ở phương Tây mà chưa mọc ở phương Đông thì là ban đêm. Đây là sự lên xuống của mặt trời mà phân ngày đêm.

Còn việc mọc lặn của mặt trăng không giống với mặt trời. Tải Phách ở Tây, thụ Hồn ở Đông, ánh sáng chiếu trong đêm mà Hồn tàng vào ban ngày, tích ngày lũy giờ, hoặc mọc hoặc lặn, từ Tây sang Đông.

Bắt đầu thì trong Phách sinh Hồn, hình dạng như cung cong, mới đêm thì ánh sáng chiếu ở Tây.

Tiếp đó trong Phách thì Hồn chiếm một nửa, thời điểm ứng với Thượng Huyền, mới đêm thì ánh sáng chiếu ở Nam.

Tiếp nữa trong Phách đầy Hồn, tương vọng với mặt trời, mới đêm thì ánh sáng chiếu ở Đông.

Tiếp nữa trong Hồn sinh Phách, dạng như miếng gương bị khuyết, mới đêm thì Hồn tàng ở Tây.

Tiếp nữa trong Hồn thì Phách chiếm một nửa, thời điểm ứng với Hạ Huyền, mới đêm thì Hồn tàng ở Nam.

Tiếp nữa trong Hồn đầy Phách, tương bối với mặt trời, mới đêm thì Hồn tàng ở Đông.

Đây là sự mọc lặn của mặt trăng mà phân ngày đêm.

Sau Đông Chí, mặt trời mọc lúc 50 phân đầu tiên của giờ Thìn, mặt trời lặn lúc 50 phân cuối giờ Thân. Sau đó trở đi, mọc lặn từ Nam chuyển dần sang Bắc, hạn kì ở Hạ Chí.

Sau Hạ Chí, mặt trời mọc lúc 50 phân cuối giờ Dần, mặt trời lặn lúc 50 phân đầu giờ Tuất. Sau đó trở đi, mọc lặn từ Bắc chuyển dần sang Nam, hạn kì ở Đông Chí.

Từ Nam chuyển sang Bắc, từ Đông đến Hạ, là từ lạnh thành nóng. Từ Bắc chuyển sang Nam, từ Hạ đến Đông, là từ nóng thành lạnh. Ban ngày của mùa Hạ là ban đêm của mùa Đông, ban ngày của mùa Đông là ban đêm của mùa Hạ.

Sau Đông Chí, mặt trăng mọc từ Bắc chuyển sang Nam, như là ban ngày của mùa Hạ.

Sau Hạ Chí, mặt trăng mọc từ Nam chuyển sang Bắc, như là ban ngày của mùa Đông.

Đây là Nhật Nguyệt qua lại mà định nóng lạnh vậy.

Cái Cơ của Trời Đất, là ở sự thăng giáng của Âm Dương. Một thăng một giáng, thái cực tương sinh. Tương sinh tương thành, chu nhi phục thủy, không sai với Đạo, mà được trường cửu.

Kẻ sĩ tu trì, nếu mà giữ phép theo Trời Đất, thì tự có thể trường sinh nhi bất tử, nếu so với triền độ của Nhật Nguyệt, qua lại giao hợp, chỉ để Nguyệt thụ Nhật Hồn, dùng Dương biến Âm. Âm tận Dương thuần, Nguyệt Hoa lóng lánh. Tiêu trừ ám Phách, như ánh sáng của mặt trời, chiếu sáng từ trên xuống dưới. Lúc này, giống như việc tu luyện của con người, dùng Khí để thành Thần, thoát chất thăng Tiên, luyện thành thân thể Thuần Dương.

Bắt đầu thì pháp theo Thiên Cơ, dùng cái lí Âm Dương thăng giáng, khiến Chân Thủy, Chân Hỏa hợp thành một. Luyện thành Đại Dược, vĩnh viễn trấn ở Đan Điền, hạo kiếp bất tử, mà thọ cùng Trời Đất. Nếu chán ở trần thế, dụng công không ngừng, rồi giữ lấy sự giao hội của Nhật Nguyệt, dùng Dương luyện Âm, khiến Âm không sinh, dùng Khí dưỡng Thần, khiến Thần không tán. Ngũ Khí Triều Nguyên, Tam Hoa Tụ Đỉnh, tạ tuyệt phàm tục, mà về Tam Đảo.

Âm Dương thăng giáng của Trời Đất, một năm thì một lần giao hợp. Tinh hoa qua lại của Nhật Nguyệt, một tháng thì một lần giao hợp. Khí Dịch của con người, một ngày một đêm thì giao hợp một lần.

Luận tứ thì đệ ngũ

Phàm nói về thời thì có 4 loại:

+ Người thọ trăm tuổi thì từ 1 tuổi đến 30 tuổi là lúc thiếu tráng, 30 tuổi đến 60 tuổi là lúc trưởng đại, 60 tuổi đến 90 tuổi là lúc lão mạo, 90 tuổi đến 100 tuổi hoặc 120 tuổi là lúc suy bại. Thời của thân người này là 1 loại vậy.

+ Nếu lấy 12 giờ là 1 ngày, 5 ngày là 1 hậu, 3 hậu là 1 khí, 3 khí là 1 tiết, 2 tiết là 1 mùa, mùa có Xuân, Hạ, Thu, Đông. Vào mùa Xuân trong Âm thì Dương chiếm một nửa, khí hậu chuyển từ hàn sang ôn, là mùa Xuân vậy. Vào mùa Hạ trong Dương có Dương, khí hậu chuyển từ ôn thành nhiệt, là mùa Hạ vậy. Vào mùa Thu trong Dương thì Âm chiếm một nửa, khí hậu chuyển từ nhiệt sang lương, là mùa Thu vậy. Vào mùa Đông trong Âm có Âm, khí hậu chuyển từ lương sang hàn, là mùa Đông vậy. Các thời của năm là loại 2 vậy.

+ Nếu trong Luật khởi Lữ, trong Lữ khởi Luật, thường một tháng có 30 ngày, 360 giờ, 3.000 khắc, 18.000 phân. Từ Nguyện Đán đến Thượng Huyền, trong Âm thì Dương một nửa. Từ Thượng Huyền đến Nguyệt Vọng, Dương trong Dương. Từ Nguyệt Vọng đến Hạ Huyền, trong Dương thì Âm một nửa. Từ Hạ Huyền đến Hối Sóc, Âm trong âm. Các thời của tháng là loại 3 vậy.

+ Nếu lấy 60 phân là 1 khắc, 8 khắc 20 phân là 1 giờ, 1 giờ rưỡi là 1 quẻ, gọi là quẻ để định 8 phương, luận về chính thì phân ra 4 vị trí. Từ Tý đến Mão, trong Âm thì Dương chiếm một nửa, ở trong Thái Âm mà khởi Thiếu Dương. Từ Mão đến Ngọ, trong Dương có Dương, thuần Thiếu Dương mà khởi Thái Dương. Từ Ngọ đến Dậu, trong Dương thì Âm một nửa, ở trong Thái Dương khởi Thiếu Âm. Từ Dậu đến Tý, trong Âm có Âm, thuần Thiếu Âm mà khởi Thái Âm. Các thời trong ngày là loại 4 vậy.

Cái khó được mà dễ mất là thời của thân người. Cái đi nhanh mà đến chậm là tháng trong năm. Cấp như điện quang, tốc như hỏa thạch là giờ trong ngày.

Tích ngày thành tháng, tích tháng thành năm, năm tháng lần lữa, niên quang tấn tốc. Tham danh cầu lợi mà vọng tâm chưa trừ, yêu con thương cháu mà ân tình lại khởi.

Dù cho hồi tâm hướng Đạo, tránh sao niên lão khí suy. Như tuyết mùa Xuân, hoa mùa Thu, chỉ là cảnh vật trong một thời gian. Tịch dương hiểu nguyệt, ứng với cái ánh sáng không dài lâu. Kẻ sĩ phụng đạo, khó đắc thời trong thân vậy.

Cảnh vật tươi đẹp, hoa cỏ tỏa hương.

Thủy tạ lầu cao, thanh phong khoái ý.

Nguyệt dạ nhàn đàm, tuyết thiên đối ẩm.

Mặc theo khoái lạc vô cùng, mà tiêu ma thời gian hữu hạn.

Dù có hồi tâm hướng đạo, mà bị tật bệnh phiền thân.

Như thuyền thủng mà chưa sang sông, ai không có lòng cầu cứu?

Nhà dột làm lại, sao nỡ không có ý sửa?

Kẻ sĩ phụng đạo, cái uổng phí là thời của năm vậy.

Gà chưa gáy sáng mà rời nhà còn cho là muộn.

Mõ đánh khắp đường mà về nhà vẫn cho là sớm.

Tham si sao chịu tạm dừng, vọng tưởng chỉ lo không đủ.

Mãn đường kim ngọc, bệnh tới quá mạnh để chống?

Mắt có cháu con, khí đoạn ai có thể thay đổi?

Sáng tối không dừng, người đời không tỉnh.

Kẻ sĩ phụng đạo, thực đáng tiếc là thời của ngày vậy.

Kẻ phụng đạo khó được tuổi thiếu niên. Thiếu niên mà tu trì, thì căn nguyên vẫn còn kiên cố, thường làm gì cũng dễ thấy hiệu nghiệm, chỉ trong ngàn ngày có thể đại thành.

Kẻ phụng đạo lại khó được tuổi trung niên. Trung niên mà tu trì, đầu tiên bồi bổ cho đầy đủ, tiếp đó hạ thủ tiến công. Mới thì phản lão hoàn đồng, sau thì siêu phàm nhập thánh. 

Nếu tuổi thiếu niên mà không ngộ, tuổi trung niên mà không tỉnh, hoặc vì tai nạn mà lưu tâm thanh tĩnh, hoặc vì tật bệnh mà chí ở Hi Di.

Tu trì lúc tuổi già, đầu tiên luận về cứu hộ, tiếp đó nói về bồi bổ. Sau đó từ tiểu thành pháp mà tích công phu cho đến trung thành, trung thành pháp tích công phu cho đến phản lão hoàn đồng, luyện hình trụ thế. Nhưng Ngũ Khí không thể triều nguyên, Tam Dương khó mà tụ đỉnh, thoát chất thăng Tiên thì vô duyên đắc thành.

Một ngày của con người, như một tháng của Nhật Nguyệt, như một năm của Trời Đất. Đại Đạo sinh dục Trời Đất, Trời Đất phân vị, trên dưới cách nhau 8 vạn 4 ngàn dặm. Sau Đông Chí, trong Đất thì Dương bay lên. Phàm 1 khí là 15 ngày, đi lên được 7.000 dặm, sau 180 ngày thì Dương bay lên đến Trời, thái cực mà sinh Âm.

Sau Hạ Chí, trong Trời thì Âm giáng xuống. Phàm 1 khí là 15 ngày, giáng xuống 7.000 dặm, sau 180 ngày thì Âm giáng đến Đất, thái cực mà lại sinh Dương. Chu nhi phục thủy, vận hành không ngừng, mà không sai với Đạo, vì thế mà trường cửu vận hành Nhật Nguyệt. Nhật Nguyệt thành hình, chu vi mỗi cái được 840 dặm.

Sau Nguyệt Đán, trong lục-6 khởi cửu-9. Phàm 1 ngày có 12 giờ, trong Phách thì Hồn tiến được 70 dặm. Phàm 15 ngày, tức là 180 giờ, trong Phách thì Hồn tiến được 840 dặm.

Sau Nguyệt Vọng, trong cửu khởi lục. Phàm 1 ngày có 12 giờ, trong Hồn thì Phách tiến được 70 dặm. Phàm 15 ngày, tức là 180 giờ, trong Hồn thì Phách tiến được 840 dặm.

Chu nhi phục thủy, vận hành không ngừng, mà không sai với Đạo, vì thế mà kiên cố Đại Đạo, trưởng dưỡng vạn vật.

Trong vạn vật thì cái tối linh tối quý là con người. Tâm Thận của con người, trên dưới cách nhau 8 tấc 4 phân, Âm Dương thăng giáng, không khác gì Trời Đất. Trong Khí sinh Dịch, trong Dịch sinh Khí, Khí Dịch tương sinh, cùng đường lối với Nhật Nguyệt.

Trời Đất dựa vào Càn Khôn yêu cầu nhau, mà Âm Dương thăng giáng, một năm một lần giao hợp, không sai với Đạo, sau một năm lại thêm một năm.

Nhật Nguyệt dựa vào Hồn Phách tương sinh mà được Tinh Hoa qua lại, một tháng một lần giao hợp, không sai với Đạo, sau một tháng lại thêm một tháng.

Sự giao hợp của con người, tuy trong một ngày một đêm, mà nếu không biết thời điểm giao hội, lại không có phép thái thủ, lúc hao tổn thì không biết bồi bổ, lúc bổ ích thì không biết thu về. Lúc Âm giao thì không biết dưỡng Dương, lúc Dương giao thì không biết luyện Âm.

Trong tháng thì không biết lúc nào hao tổn, lúc nào bổ ích, trong ngày lại không hành trì. Qua một năm chẳng có thêm một năm, qua một ngày chẳng có thêm một ngày.

Ra gió nằm ẩm, chịu nóng lội lạnh, không chịu tu trì, mà cam tâm thụ bệnh, uổng phí thời gian mà ngồi im đợi chết.

Trong thân dùng năm, trong năm dùng tháng, trong tháng dùng ngày, trong ngày dùng giờ. Vì khí của ngũ tạng, trong tháng thì có thịnh suy, trong ngày có tiến thoái, trong giờ có giao hợp, vận hành thì có năm mức độ, Khí truyền thì có có lục hầu. Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, bày ra không sai. Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung, sinh thành có số. Luyện Tinh sinh Chân Khí, luyện Khí hợp Dương Thần, luyện Thần hợp Đại Đạo.

Luận Ngũ Hành đệ lục

Đại Đạo đã phân thì sinh Trời Đất, Trời Đất đã phân thì bày ra Ngũ Đế.

Phía Đông gọi là Thanh Đế, mà thi Xuân Lệnh, ở trong Âm khởi Dương, khiến vạn vật sinh.

Phía Nam gọi là Xích Đế, mà thi hành Hạ Lệnh, ở trong Dương sinh Dương, khiến vạn vật trưởng.

Phía Tây gọi là Bạch Đế, mà thi hành Thu Lệnh, ở trong Dương khởi Âm, khiến vạn vật thành.

Phía Bắc gọi là Hắc Đế, mà thi hành Đông Lệnh, ở trong Âm tiến Âm, khiến vạn vật chết.

Mỗi mùa có 90 ngày, 18 ngày cuối mỗi mùa là do Hoàng Đế làm chủ.

Như vào mùa Xuân, hỗ trợ Thanh Đế mà giúp sinh;

Như vào mùa Hạ, tiếp theo Xích Đế mà nuôi lớn;

Như vào mùa Thu, bồi bổ Bạch Đế mà kết lập;

Như vào mùa Đông, chế nhiếp Hắc Đế mà giữ gìn.

Ngũ Đế phân ra cai trị, mỗi cái làm chủ 72 ngày, hợp thành 360 ngày, là một năm, trợ giúp Trời Đất thi hành Đạo.

Thanh Đế sinh con gọi là Giáp Ất, Giáp Ất là Đông Phương Mộc.

Xích Đế sinh con gọi là Bính Đinh, Bính Đinh là Nam Phương Hỏa.

Hoàng Đế sinh con gọi là Mậu Kỷ, Mậu Kỷ là Trung Ương Thổ.

Bạch Đế sinh con gọi là Canh Tân, Canh Tân là Tây Phương Kim.

Hắc Đế sinh con gọi là Nhâm Quý, Nhâm Quý là Bắc Phương Thủy.

Biểu hiện về thời mà thành hình tượng: Mộc là Thanh Long, Hỏa là Chu Tước, Thổ là Câu Trần, Kim là Bạch Hổ, Thủy là Huyền Vũ.

Biểu hiện về thời mà sinh vật:

Ất hợp với Canh, Xuân thì có cây Du, xanh và trắng, không sai màu sắc của Kim Mộc.

Tân hợp với Bính, Thu thì có cây Táo, trắng và đỏ, không sai màu sắc của Kim Hỏa.

Kỉ hợp với Canh, cuối Hạ đầu Thu có Dưa, xanh và vàng, không sai màu sắc của Thổ Mộc.

Đinh hợp với Nhâm, Hạ thì có Dâu, đỏ và đen, không sai màu sắc của Thủy Hỏa.

Quý hợp với Mậu, Đông thì có Quất, đen và vàng, không sai màu sắc của Thủy Thổ.

Cứ thế mà suy, Ngũ Đế tương giao mà thể hiện ở thời, sinh ra vật thì không thể đếm hết.

Chỉ có con người là đầu tròn chân vuông, có hình tượng của Trời Đất, Âm Dương thăng giáng, có cái Cơ của Trời Đất. Thận là Thủy, Tâm là Hỏa, Can là Mộc, Phế là Kim, Tì là Thổ. 

Nếu mà Ngũ Hành tương sinh thì Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy. Cái sinh là mẹ, cái được sinh là con.

Nếu mà Ngũ Hành tương khắc thì Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy. Cái khắc là chồng, cái bị khắc là vợ.

Lấy mẹ con mà nói thì Thận Khí sinh Can Khí, Can Khí sinh Tâm Khí, Tâm Khí sinh Tì Khí, Tì Khí sinh Phế Khí, Phế Khí sinh Thận Khí.

Lấy vợ chồng mà nói thì Thận Khí khắc Tâm Khí, Tâm Khí khắc Phế Khí, Phế Khí khắc Can Khí, Can Khí khắc Tì Khí, Tì Khí khắc Thận Khí.

Thận là chồng của Tâm, là mẹ của Can, là vợ của Tì, là con của Phế.

Can là chồng của Tì, là mẹ của Tâm, là vợ của Phế, là con của Thận.

Tâm là chồng của Phế, là mẹ của Tì, là vợ của Thận, là con của Can.

Phế là chồng của Can, là mẹ của Thận, là vợ của Tâm, là con của Tì.

Tì là chồng của Thận, là mẹ của Phế, là vợ của Can, là con của Tâm.

Tâm biểu hiện bên trong là mạch, biểu hiện bên ngoài là sắc, lấy lưỡi làm cửa ngõ, bị Thận chế phục, khu dụng ở Phế, vì cái lí về vợ chồng như vậy, đắc Can thì thịnh, gặp Tì thì giảm, vì cái lí về mẹ con như vậy.

Thận biểu hiện bên trong là xương, biểu hiện bên ngoài là tóc, lấy hai tai làm cửa ngõ. bị Tì chế phục, khu dụng ở Tâm, vì cái lí về vợ chồng như vậy, đắc Phế thì thịnh, gặp Can thì giảm, vì cái lí về mẹ con như vậy.

Can biểu hiện bên trong là gân, biểu hiện bên ngoài là móng tay, lấy mắt làm cửa ngõ, bị Phế chế phục, khu dụng ở Tì, vì cái lí về vợ chồng như vậy, gặp Thận thì thịnh, gặp Tâm thì giảm, vì cái lí về mẹ con như vậy.

Phế biểu hiện bên trong là da, biểu hiện bên ngoài là lông, lấy mũi làm cửa ngõ, bị Tâm chế phục, khu dụng ở Can, vì cái lí về vợ chồng như vậy, đắc Tì thì thịnh, gặo Thận thì giảm, vì cái lí về mẹ con như vậy.

Tì biểu hiện bên trong là tạng, đều dưỡng Tâm Thận Can Phế, biểu hiện bên ngoài là thịt, lấy môi miệng làm cửa ngõ, hô hấp định vãng lai, bị Can chế phục, mà khu dụng ở Thận, vì cái lí về vợ chồng như vậy, đắc Tâm thì thịnh, gặp Phế thì giảm, vì cái lí về mẹ con như vậy.

Đây là Ngũ Hành của con người, tương sinh tương khắc, mà vợ chồng mẹ con, truyền khí suy vượng thì xem đây. 

Ngũ Hành quy nguyên, Nhất Khí tiếp dẫn. Nguyên Dương thăng cử mà sinh Chân Thủy, Chân Thủy tạo hóa mà sinh Chân Khí, Chân Khí tạo hóa mà sinh Dương Thần. Bắt đầu thì dựa vào Ngũ Hành định vị, mà có một chồng một vợ.

Thận là Thủy, trong Thủy có Kim, Kim vốn sinh Thủy, lúc hạ thủ cần biết Kim trong Thủy. Thủy vốn ghét Thổ, sau khi thái dược cần được Thổ quy Thủy.

Long là hình tượng của Can, Hổ vốn là thần của Phế. Dương Long xuất ở Li Cung, Âm Hổ sinh ở Khảm Vị.

Ngũ Hành nghịch hành, Khí truyền theo kiểu mẹ con, từ Tý đến Ngọ, gọi là trong Dương sinh Dương.

Ngũ Hành điên đảo, Dịch hành theo kiểu vợ chồng, từ Ngọ đến Tý, gọi là trong Âm luyện Dương.

Dương không được Âm thì không thành, cuối cùng thì nhờ không có Âm mà bất tử.

Âm không được Dương thì không sinh, cuối cùng thì nhờ Âm tuyệt mà trường thọ.

Nhất Khí là lúc xưa khi cha mẹ giao hợp, mà có Tinh Huyết tạo hóa thành hình. Thận sinh Tì, Tì sinh Can, Can sinh Phế, Phế sinh Tâm, Tâm sinh Tiểu Tràng, Tiểu Tràng sinh Đại Tràng, Đại Tràng sinh Đảm, Đảm sinh Vị, Vị sinh Bàng Quang. Đây là Âm dựa vào Tinh Huyết tạo hóa thành hình, còn Dương chỉ ở chỗ lúc bắt đầu mới sinh, một điểm Nguyên Dương, ở tại hai Thận.

Thận là Thủy, trong Thủy có Hỏa, bay lên thành Khí, nhân Khí bay lên mà triều Tâm.

Tâm là Dương, lấy Dương hợp Dương, thái cực sinh Âm, là tích Khí sinh Dịch, Dịch từ Tâm giáng, nhân Dịch hạ giáng mà quay về Thận.

Can vốn là mẹ của Tâm, là con của Thận, truyền dẫn Thận Khí đến Tâm vậy.

Phế vốn là vợ của Tâm, là mẹ của Thận, truyền dẫn Tâm Dịch đến Thận vậy. Khí Dịch thăng giáng như Âm Dương của Trời Đất.

Can Phế truyền dẫn như Nhật Nguyệt qua lại. Ngũ Hành riêng có số, mà luận sự giao hợp sinh thành, thì Nguyên Dương Nhất Khí là gốc, trong Khí sinh Dịch, trong Dịch sinh Khí. Thận là gốc của Khí, Tâm là nguồn của Dịch.

Linh Căn kiên cố, hoảng hoảng hốt hốt, trong Khí tự sinh Chân Thủy.

Tâm Nguyên thanh tịnh, yểu yểu minh minh, trong Dịch tự có Chân Hỏa.

Trong Hỏa biết lấy Chân Long, trong Thủy biết lấy Chân Hổ.

Long Hổ tương giao mà thành Hoàng Nha, hợp thành Hoàng Nha mà kết thành Đại Dược, gọi là Kim Đan. Kim Đan đã được thì gọi là Thần Tiên.

Hoàng Nha là Chân Long, Chân Hổ.

Long không phải là Can, mà là Dương Long, Dương Long xuất ở trong Chân Thủy của Li Cung. Hổ không phải là Phế, mà là Âm Hổ, Âm Hổ xuất ở trong Chân Hỏa của Khảm Vị.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đao Lợi Thiên Cung là gì?

Tiên Phật Hợp Tông Ngữ Lục - Cát Vương Chu Thái Hòa hỏi 19 câu

Lữ Tổ Tâm Kinh