Ngộ Chân Thiên - Ngộ Chân Trực Chỉ

Ngộ Chân Thiên nguyên tự

1. Ôi! con người khó được, quang âm qua mau, nếu không sớm tu đạo, khi giờ chết tới, thì chỉ có việc cam phận mà thôi. Khi giờ chết tới, một niệm mà sai, Đoạ vào tam đồ ác thú, thì muôn kiếp khó ra, khi ấy có hối cũng không kịp.

Cho nên Lão, Thích đem đạo Tính Mệnh dạy người phải ăn ngay ở lành, để thoát sinh tử. Thích thị lấy không tịch làm tôn chỉ, nếu con người đốn ngộ, viên thông, thì sẽ sang bờ bên kia. Nếu tu luyện chưa tới nơi, thì vẫn còn ở trong vòng sinh tử.

Lão tử dạy cách luyện dưỡng, nếu biết được cốt yếu, sẽ lập tức đạt thánh vị, nếu chưa biết bản tính, thì còn trệ trong vòng hữu hình. Còn như Kinh Dịch thì dạy người Cùng Lý, Tận Tính dĩ chí Mệnh. Luận Ngữ dạy: «Tứ tuyệt: Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã.» Như vậy cho thấy Đức Khổng cũng đã vươn lên chỗ cao diệu của Tính Mệnh. Nhưng mà lời lẽ thường sơ lược không rõ ràng, là tại làm sao? Nếu muốn tự chính nhân luân, thi nhân nghĩa lễ nhạc, cho nên không dạy rõ vô vi, dạy về Mệnh thì dùng Dịch Tượng, dạy về Tính thì nói rất ẩn ước, nhẹ nhàng.

Đến như Trang Tử nói về tính Tiêu Diêu của muôn vật. Mạnh tử bàn về Khí Hạo Nhiên đều nói rất tha thiết. Đến thời Hán, Nguỵ Bá Dương, đem lẽ Giao Cấu trong kinh Dịch mà viết bộ Tham Đồng Khế, dạy về phép Đại Đơn. Đường Trung quốc sư trong Ngữ Lục của Ông có đề cao Lão, Trang, để cho thấy đâu là đầu đuôi của Chí Đạo, như vậy Giáo tuy chia ba, nhưng Đạo thì chỉ qui về một mối.

2. Tại sao người tu đạo Lão sau này tự lập chuyên môn, cho thế này là đúng, thế kia là sai, làm cho Tam Giáo đi vào lầm lạc, không còn đồng qui hỗn nhất nữa.

Vả ngày nay, người ta thường đề cao tu Mệnh, nhưng không biết rằng tu Mệnh có hai loại: một là dễ gặp nhưng nan thành, hai là khó gặp nhưng dễ thành. Như luyện Khí Ngũ Nha, luyện quang huy của Nhật Nguyệt, Tinh Thần, luyện xoa bóp, nạp thanh, thổ trọc, niệm kinh trì chú, phun nước, vẽ bùa, nghiến răng tập thần. Bỏ vợ, nhịn ăn, tồn thần bế tức, vận tư tưởng giữa 2 làn mi, bổ não hoàn tinh, tập phòng trung chi thuật, đến nỗi còn phục luyện Kim Thạch Thảo Mộc, tất cả những chuyện đó đều dễ gặp nhưng khó thành.

Các phép trên đây rất là chi ly, phiền toái, cho nên tuy dùng sức nhiều nhưng mà không có hiệu nghiệm. Nếu vất vả ngày đêm tu trì, thì có thể phòng bệnh, khỏi tai hoạ. Nếu một ngày ngưng tu, thì công lao trước đó đều mất. Muốn kéo dài thời gian, muốn sống lâu, thì chắc không được. Muốn Nhất đắc vĩnh đắc, cải lão hoàn đồng, biến hoá phi thăng, thì không khó hay sao? Thật là đáng thương.

Vì gần đây những kẻ tu hành, chấp trước sai lầm, nên không ngộ được diệu pháp, lại còn oán thần tiên là nói sai. Có biết đâu Thành Đạo là do luyện đan mà được. Sợ tiết lộ thiên cơ mới mượn tiếng Số Sự. Trong đó có phép nín thở, nếu có thể vong cơ tuyệt lự, là giống với nhị thừa (Âm thanh thừa, Duyên giác thừa). Nếu cần cù mà hành động, thì có thể nhập định xuất thần. Tinh thần thuộc âm, cơ thể không vững chắc, thì không thể cầu sống lâu. Đã chưa có được Kim hống phản hoàn chi đạo, thì làm sao mà hồi dương hoán cốt, bạch nhật thăng thiên được?

3. Còn luyện Kim Dịch hoàn đơn thì khó gặp dễ thành, chỉ cần thâm hiểu Âm Dương, thông đạt Tạo Hoá, đem được Nhị Khí (Nguyên Tinh, Nguyên Thần) vào hai mạch Nhâm Đốc, Hội Tam Tính (Mộc Dịch, Kim Tinh, Thổ Ý) về Đơn Điền, toản thốc được Ngũ Hành, Hoà Hợp được Tứ tượng, Long ngâm, Hổ khiếu, phu xướng phụ tuỳ, Ngọc Đỉnh (Nê Hoàn cung) nước sôi, Kim Lô (Hạ Đơn điền) lửa bốc, thì sẽ được Huyền Châu. Nguyên khí Thái Ất sẽ trở về trong chốc lát, sẽ đem lại vô cùng dật lạc.

Còn như Phòng Nguy, Lự Hiểm, Trừu Thiêm, Dưỡng Chính, Trì Doanh, Thủ Thư Bão Nhất, Dương khí phục lai (Xem quẻ Phục), Âm chất tiêu tận (Xem quẻ Bác), tiết khí hết vòng, thoát thai thần hoá, danh đề Tiên Tịch, vị hiệu Chân nhân, thế là lúc trượng phu công thành danh toại vậy.

Học giả ngày nay, lấy Diên Hống nhị khí, coi Ngũ tạng là Ngũ Hành, phân Tâm Thận là Khảm Ly, lấy Can Phế làm Long Hổ, coi Thần Khí là Tử Mẫu, coi Tân Dịch là Diên Hống, không hiểu phù trầm, không phân chủ khách, coi tài vật của người là của mình, gọi con khác hộ là con mình, thì làm sao hiểu được lẽ Kim Mộc tương khắc, hiểu được lẽ Âm Dương hỗ dụng huyền vi, thế là đi trái đường lối Nhật Nguyệt, Thế là Diên Hống khác lò, thì làm sao mà luyện thành Đơn được, còn xa vời lắm.

Kẻ hèn này, từ nhỏ đã học Tam Giáo kinh thư, ngoài ra còn lưu tâm đọc các sách về hình pháp, thư toán, y bốc, chiến trận, thiên văn, địa lý, cát hung sinh tử chi thuật. Duy về sách Kim Đan, thì đã đọc quần kinh, lại đọc ca thi, luận khế của chư gia, đều nói về Nhật hồn Nguyệt phách (Can Mộc chi Hồn, là Ly trung hư; Nguyệt phách là Khảm trung mãn, là Phế Kim chi phách), Canh Hổ, Giáp Long (Canh ở phía Tây, Hổ là Bạch Hổ, chỉ Phế Kim chi Hồn. Giáp ở phía Đông, Long là Thanh Long chỉ Can Mộc chi Hồn), Thuỷ Ngân, Chu Sa, Bạch Kim, Hắc tích, Khảm Nam. Ly Nữ (Khảm dụ Thận, Ly chủ Tâm, Khảm là Trung Nam, Ly là Trung Nữ), có thề thành Kim Dịch Hoàn Đan, cuối cùng không nói Chân Hống, Chân Diên màu sắc ra sao, không nói về hoả hầu pháp độ, không dạy Ôn Dưỡng ra sao, rồi ra sau này kẻ mê loạn nghĩ quàng xiên, chú thích lung tung lời tiên thánh, sai ngoa trăm điều, làm cho kinh thư bị vấn loạn, làm cho kẻ hậu học bị sai lầm. Kẻ hèn này chưa gặp Chí Nhân, chưa biết khẩu quyết, cho nên ăn uống không yên, thân hình tiều tuỵ. Tuy tôi đã hỏi han cầu khẩn khắp mọi nơi non cao bể thẳm, tìm xin lời dạy bổ ích nơi các bậc hiền minh, cũng không hiểu được chân tông, phế phủ cũng chưa được khai chiếu. Mãi đến năm Kỷ Dậu, Hi Ninh thứ 2, nhân theo Long Đồ Học Sĩ Lục Sằn (1012-1070) thoái chuyển, mới đầu thành tâm, ngày càng kính cẩn, nên cảm được Chân Nhân, được Hải Thiềm truyền cho Kim Đơn dược vật, bí quyết hoả hầu. Lời nói thật giản dị, không phiền toái, y như chỉ sông rồi tìm ra nguồn. Nói một hiểu trăm, mây mù vẹt di, lộ ra trời quang sáng, bụi bặm hết, gương sáng choang. So vào đan kinh, thấy đúng không sai.

Nhân nghĩ rằng ngày nay người học Tiên Đạo mười người may ra được vài người nắm được yếu quyết. Kẻ hèn này nắm được Chân Thuyên, Chân Lý, nên không dám dấu diếm, tận hết sở đắc để viết ra 81 bài thơ, gọi là Ngộ Chân Thiên. Trong đó, Thất Ngôn tứ tuyệt có 16 bài, tượng trưng cho hai số: Nhị Bát. Tuyệt cú có 64 bài, theo như 64 quẻ Dịch. Ngũ ngôn có 1 bài, tượng trưng Thái Cực. Thêm vào đó lại có Tây Giang Nguyệt 12 bài cho đủ 12 tháng, Còn như Đỉnh khí tôn ti, Dược vật cân lạng, hoả hầu tiến thoái, chủ khách trước sau, tồn vong hữu vô, cát hung hối lận, đều đủ bên trong. Còn về Tính Bản Nguyên Chân Thường sợ nói chưa hết lời, nên lại làm thêm ca tụng nhạc phủ, phụ thêm nơi cuối sách, để có thể biết Đạo Đạt Bản, Minh Tính, nói cả ở trong. Mong rằng các đồng chí sau đọc sách này, Thấy Ngọn sẽ biết Gốc, bỏ Vọng mà Cầu Chân vậy.

Hi Ninh Ất Mão, sáng Mồng Một đầu năm, Thiên Thai Trương Bá Đoan Bình Thúc đề tựa.



Ngộ Chân Thiên hậu tự


Xem đời sống con người, đều do vọng tình nên mới có thân, có thân là có nguy hiểm, nếu không có thân, thì làm gì có hoạ hoạn.

Muốn hết hoạ hoạn thì thì phải hiểu chí Đạo (hiểu biết lẽ thâm sâu của Đạo). Muốn hiểu chí Đạo thì phải biết rõ Bản Tâm. Cho nên Tâm là Thể của Đạo, Đạo là dụng của tâm. Người biết sát Tâm quan Tính, thì sẽ thấy thể tính viên minh của mình, sẽ thấy cái Dụng của Đạo Vô Vi (thấy mình với vạn hữu là một), không phí sức dụng công, và lập tức bước sang bỉ ngạn, không nhiễm trần ai, tâm linh tự tại, sẽ đạt được vô sinh.

Những người minh tâm thể đạo, thì thân không luỵ được Tính, cảnh không loạn được Tâm, đao binh không thể thương hại, tê hổ không thể hại được mình, không lo bị nước lửa. Bậc chí nhân Tâm như minh kính, soi vạn sự mà không chấp trước, tuỳ cơ ứng vật, hoà mà không đề xướng, nên thắng vật mà không bị thương tổn. Đó là Đạo Vô Thượng chí chân chí diệu vậy.

Đạo vốn vô danh, thánh nhân gượng đặt tên. Đạo vốn không lời, thánh nhân gượng đặt lời. Nếu như không tên, không lời, thì người đời làm sao biết được bản thể mình, làm sao trở về được chân lý. Cho nên thánh nhân thiết giáo, lập ngôn để hiển Đạo, cho nên Đạo có lời mới sáng tỏ. Lời vì Đạo là sau mất, làm sao cái Đạo chí diệu, chí vi, thế nhân căn tính cùn nhụt, chấp trước thân mình tham sống, sợ chết, đến chết cũng không giác ngộ. Hoàng Đế, Lão Tử thương họ tham luyến, chấp trước, cho nên nương theo sở dục của họ, mà từ từ dẫn đưa họ, và cho rằng tu sinh cần biết luyện đan. Kim Đơn chi yếu cốt tại Thần Thủy, Hoa Trì, cho nên Đạo Đức Kinh và Âm Phù thịnh hành trên đời.

Vì người ham sống, nên lời kinh ẩn mà lý thì sâu, học giả tuy đọc được lời văn, nhưng không rõ ý nghĩa. Nếu không gặp chí nhân truyền khẩu quyết, thì sẽ tán vụn sách ra làm trăm loại, cuối cùng công chẳng thành, sự chảng nên, thảo nào người bước vào đường tu thì đông như lông trâu, mà người đạt đạo ít như sừng lân vậy.

Bá Đoan vào năm Kỷ Dậu (1069) vào Thành Đô, gặp được Chân Sư truyền Đơn Pháp. Sau đó 3 lần truyền cho những người không ra gì, ba lần bị hoạ hoạn, đều không quá 2 tuần. Năm nay, tôi bị nhọt sinh sau lưng, mới nhớ lời thày răn dạy rằng: Sau này sẽ có người giúp con thoát vòng cương toả lợi danh, thì phải truyền đạo cho hắn, ngoài ra không truyền cho ai. Sau này nếu ngươi muốn thoát vòng hoạn lộ, nhưng lại sợ đạo sĩ đó không tin, thì hãy viết quyển «Ngộ Chân Thiên», dạy đầu đuôi Đan Kinh. Sau khi viết xong sẽ có nhiều người đến xin cầu học. Xem xét nếu họ thành khẩn, thì chọn mà truyền. Tuy nhiên những người được truyền thụ không phải là những kẻ có thế, có sức, có thể phò nguy trợ nịch, khẳng khái đặc đạt, có thể là những người hiểu biết đạo. Phạm lần thứ 2 lại gặp hoạ hoạn, tâm còn chưa biết, tới lần thứ ba, mới hối lỗi lầm xưa.

Vì biết rằng Phép luyện Đại Đơn chí giản, chí dị, cho nên dù ngu phu biết mà thi hành cũng lập tức siêu xuất thánh vị. Vì Thiên ý muốn giữ những điều huyền bí nên không muốn khinh truyền cho những kẻ không ra gì. Vì Bá Đoan không tuân lời thày, tiết lộ Thiên Cơ, nên đã bị khiển trách và hoạ hoạn. Trời cấm đoán nghiêm ngặt và trừng phạt rất thần tốc, không thể không sợ hãi. Từ nay về sau, tôi ngậm miệng khoá lưỡi, dẫu là vạc dầu trước mặt, dao kiếm kề cổ cũng không dám nói nữa. Quyển «Ngộ Chân Thiên» này trong đó các bài ca vịnh về Đại Đơn, Dược Vật, Hoả Hầu đã mô tả rất chi tiết, đầy đủ.

Những người có Tiên Cốt, đọc lên sẽ tự nhiên thấy sáng tỏ, theo lời sẽ hiểu nghĩa, cần chi phải có Bá Đoan chỉ vẽ từng lời đâu? Như vậy là Trời cho, không phải Bá Đoan truyền. Còn như nơi cuối Thiên bàn về Kiến Tánh chi Pháp, mà như trên đã gọi là Vô Vi Diệu Pháp chi Đạo. Mà Vô Vi Diệu Pháp là tâm Tề Vật (coi muôn vật là bình đẳng), tuy nói lên mọi điều bí yếu, nhưng không có lầm sai.

Vì chúng sinh Duyên nghiệp có dày mỏng, căn cơ, bản tính có bén nhọn, cùn nhụt khác nhau, như nghe một lời, lại có nhiều dị kiến. Cho nên Đức Thích Ca, Đức Văn Thù đem đạo dạy người, chỉ truyền Nhất Thừa, nhưng học giả cứ hiểu thành Tam Thừa.

Như sau này có những độc giả có căn tính mãnh liệt sẽ thấy Bá Đoan đã theo được Tối Thượng Thừa diệu chỉ của Ngài Đạt Ma và Ngài Huệ Năng, từ một lời của các Ngài mà ngộ cả Vạn Pháp. Còn những kẻ hạ căn đầy tập khí chỉ thấy bàn về Trung Thừa, Tiểu Thừa, như vậy đâu phải lỗi của Bá Đoan?

Năm Khai Phong cải nguyên năm Mậu Ngọ (1069), tháng Trọng Hạ (tháng 5), ngày Mậu Dần, Trương Bá Đoan, Bình Thúc tái tự.


TIỂU SỬ TRƯƠNG BÁ ĐOAN


Trương Bá Đoan (987-1082) sinh vào đời vua Thái Tông nhà Tống, 97 tuổi.

Ông chủ trương Tam Giáo Nhất Lý, viện Nho dẫn Phật, lấy Tính Mệnh Song Tu làm đại chỉ, lấy thân thể làm đỉnh lô, lấy Tinh Khí làm dược vật, lấy Thần làm hoả hầu, khiến Tinh Khí ngưng tụ bất tán, kết thành Kim Đơn, đồng thời kế thừa phương pháp luyện nội Đan của Trần Đoàn chia công phu Luyện Dưỡng thành 4 giai đoạn: Trúc cơ, luyện Tinh hoá khí, luyện Khí hoá Thần, luyện Thần hoàn hư. Ông chủ trương tiên tu Mệnh, hậu Tu Tính, thâm cứu Bản Nguyên Chân Giác chi tính. Ông là tổ sư Tử Dương Phái của Nam Tông. Ngoài ra ông còn viết: Kim Đan Tứ Bách Tự, toát lược phương pháp Tu Luyện Nội Đan, giải thích nội đan thuật ngữ, nghiên cứu Phật Kinh Thiền Thoại và viết Thiền Tông Thi kệ, 32 bài thơ. Học trò ông là Vương Bang Thúc cũng có viết quyển: Ngọc Thanh Kim Tư thanh hoa bí văn kim bảo nội đơn thư quyết (1 bộ 3 quyển). Sau thời Nam Tống ông được xưng là Nam Tông tổ sư.

Trương Bá Đoan đề cao Minh Tính. Ông nhận ra rằng: Phật, Lão, Dịch chủ trương minh tính (minh tâm kiến tính (Phật), Tính Mệnh song tu (Lão), Cùng Lý, tận Tính (Dịch), cho nên tuy Giáo thì có 3, mà Đạo chỉ có một. Sau khi viết Ngộ Chân Thiên xong, Ông thấy cần thâm cứu về Tính Bản Nguyên Chân Thường, nên ông đọc Truyền Đăng Lục, và viết: Tôi nhờ đọc tối thượng nhất thừa của Đạt Ma và Lục tổ nên có thể nhân một lời mà ngộ được Vạn Pháp.

Ông chủ trương Tu Tính trước Tu Mệnh sau. Ông còn cho rằng: Đạo tự Hư Vô sinh Vạn Vật đó là quá trình thuận sinh, còn đạo Kim Đơn thì ngược lại, nghĩa là phải Phục Qui Hư Vô, dữ Đạo hợp nhất.

Đại đạo diệu dụng pháp Kiền Khôn,
Kiền Khôn vận hề, ngũ hành phân.
Ngũ hành thuận hề: Thường Đạo hữu sinh, hữu tử,
Ngũ hành nghịch hề, Đơn thể thường linh, thường tồn.

Ông cho rằng: Đạo giáo dạy tu luyện hình khí là Tu Mệnh. Thiền Tông dạy Minh Tâm Kiến Tính chính là Luyện Thần Hoàn Hư của Đơn Đạo. Đó là Tu Tính.


.THẤT NGÔN LUẬT THI THẬP LỤC THỦ DĨ BIỂU NHỊ BÁT CHI SỐ

七 言 律 詩 七 十 六 首 以 表 二 八 之 數

 

Nhị bát là 16. Một tháng có Thượng Huyền là Thuỷ Trung Chi Kim 8 lạng. Hạ huyền là Kim trung chi Thuỷ 8 lạng. Cộng lại là 1 cân. Kim Thuỷ bằng nhau, Ánh sáng không thiên lệch bên nào, thật là Chí Trung, Chí Chính. Đơn pháp phỏng theo tượng Nhị huyền. Người tu Đại Đạo lấy Âm trung chi Dương là Chân Dương, tức là Thượng Huyền. Lấy Dương trung chi Âm là Chân Âm, tức Hạ Huyền. Âm trung chi Dương, Dương với Âm hoà. Dương trung chi Âm, Âm với Dương hoà. Chân Âm Chân Dương tương hoà, hợp nhau thành Một. Thế là Nhị Bát nhất cân, Kim Đơn thành tượng.

16 bài thơ Đường luật, cốt nói lên chuyện này.

Bài 1

Không cầu Đại Đạo thoát mê đồ,

Phụ lòng hiền thánh, há trượng phu.

Chớp mắt, trăm năm, lửa trong đá,

Một đời thấm thoát tựa bào phù.

Chỉ tham lợi lộc cầu vinh hiển,

Chẳng quản hình dung cứ teo khô.

Ví như vàng bạc nhiều như núi,

Cấm nổi Vô Thường chẳng xông vô?

Bài 2

Nhân sinh tuy tuổi có trăm năm,

Thọ yểu, cùng thông khó hiểu phăng.

Hôm qua còn giỡn như ngựa chạy,

Sáng nay, thi thể đã nhập quan.

Tiền bạc vợ con đâu của bạn,

Tội nghiệp mang theo, bỏ được chăng?

Đại dược nếu may mà gặp được,

Gặp mà không luyện, thật ngu si.


Bài 3

Học Tiên thời phải học Thiên Tiên,

Chỉ có Kim Đơn ấy Đích đoan.

Âm Dương tương phối: Tính Tình hợp,

Ngũ Hành hợp nhất: Hổ Long ban.

Toàn nhờ Mậu Kỷ làm mai mối,

Rồi ra chồng vợ sẽ hợp hoan.

Sau sẽ công thành chầu Thượng đế,

Cửu Hà quang lý, giá tường loan.

Kim Đơn đó tức là cái mà con người nhận được từ Trời, chí thiện vô ác, lương tri, lương năng, là Linh Căn tròn vẹn, là Tiên Thiên chí Dương chi khí, ngưng kết mà thành. Kỳ trung hàm Âm Dương, tàng Ngũ Hành, có Khí mà không có Chất, không phải là chiếc thân hậu thiên, hữu hình, hữu tượng, là một vật vẩn đục. Nếu qua được sự đoàn luyện thành thục của Âm phù, Dương hoả, thì sẽ vĩnh viễn bất hoại, còn gọi là Thất Phản Cữu Hoàn, Kim Dịch Đại Hoàn Đơn.

Kim Đơn là Bản Tính Hỗn Thành. Không phải là Bản Tính, thì không làm gì có Kim Đơn. Kim Đơn này ai ai cũng có, và đều viên thành. Ở nơi Thánh thì không tăng, ở nơi người phàm thì không giảm, là chủng tử của chư Phật, là Căn bản của Thánh Hiền.

Nhưng nếu chưa từng được hoả đoàn luyện (tu luyện), thì Dương cực tất Âm, tròn rồi sẽ khuyết, lạc vào Hậu Thiên, trí thức khai và tư dục nổi, khí chất phát và lương tri tối. Lương tri, lương năng đều biến thành bất lương, không thể trở lại thể Thuần Bạch.

Cho nên thánh xưa lập ra đạo Kim Đơn phản hoàn, để khiến mọi người qui gia nhận tổ, phục Ngã bản lai Nguyên Hữu chi sự vật.

Thế nào gọi là Phản Hoàn? Phản là trở lại con đường cũ mình đã đi, Hoàn là được lại những gì mình đã mất. Vả Bản Tính Linh Căn của mình mà bị mờ, chính là vì Âm Dương bất hoà, ngũ hành bị thương tổn. Nếu Âm Dương hợp nhất, Ngũ hành hợp nhất, thì sẽ trở về cái Bản Tính viên minh thuần nhất mà mình đã mất.

Nhị vật là: Nhất Cương, nhất Nhu; nhất kiện, nhất thuận; nhất Chân Tri, nhất Linh Tri; nhất Chân Tình, nhất Linh Tính.

Chân tri có đủ trong Đạo Tâm, chủ Cương Kiện, phát ra thì gọi là Chân Tình.

Linh Tri tàng ư Nhân Tâm, chủ Nhu Thuận. Hợp lại thì là Linh Tính Chân Tri, Linh Tri mà phân ly, thì Kiện không phải là Kiện, Thuận không phải là Thuận. Cương Nhu thất tiết. Chân Tình, Chân Tính, biến thành Giả Tình, Giả Tính

Chân Tri, Linh Tri mà tương hợp, thì đáng Kiện thời kiện, đáng Thuận thời Thuận, cương Nhu tuỳ thời, Giả Tình, giả Tính biến vi Chân Tình, Linh Tính.

Tiên Ông nói: Nhị vật hội thời, Tình Tính hợp, há chẳng phân minh lắm sao?

Ngũ Hành là: Ngũ Khí của Kim Mộc thuỷ hoả thổ. Ngũ khí này ở Tiên Thiên thì là Ngũ Nguyên: Nguyên Tính, Nguyên Tình, Nguyên Tinh, Nguyên Thần, Nguyên Khí.

Tại Hậu Thiên thì là Ngũ Vật: Du Hồn, Quỉ Phách, Âm Tinh, Thức Thần, Vọng Ý.

Ngũ nguyên gồm đủ Ngũ Đức: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Còn Ngũ Vật gồm đủ Ngũ Tặc: Hỉ Nộ Ai Lạc Dục.

Ngũ hành mà toàn vẹn thì Tiên Thiên, Hậu Thiên hỗn hợp, nhất như, lấy Ngũ Nguyên thống Ngũ Vật.

Long là Dương, chủ sinh cơ, thuộc Đông Phương Mộc, ở nơi người là TÍNH.

Hổ là Âm, chủ sát cơ, thuộc Tây Phương Kim, ỏ nơi người là TÌNH.

Ngũ Hành mà bất hoà thì Tính nào giữ Tính đó, Ngũ Nguyên biến thành Ngũ Vật, Ngũ Đức hoá vi Ngũ Tặc. Long Đông, Hổ Tây, Tính loạn, Tình Mê, đó là Khí Tính, Vọng Tình, Sát Khí tước đoạt Sinh Khí vậy.

Ngũ Hành mà toàn, thì sẽ Đồng Qui Nhất Tính, Ngũ Vật biến thành Ngũ Nguyên, Ngũ Vật hoá vi Ngũ Đức, Long bàn, Hổ Cứ, Tính Tình tương hợp. Âm Dương hội, Ngũ hành toàn, đó chính là Hồn Nhiên Thiên Lý, Chí Thiện, Vô Ác, Lương Tri, Lương Năng, là vật sự Nguyên Bản và Kim Đơn phục hoàn vậy.

Vả Tiên Thiên bản Nguyên khi đã thất tán, Tính Đông Tình Tây, cương nhu thất ứng, nếu không có vật chi để điều hoà, qua lại để thông tin, thì đôi bên sẽ cách tuyệt, vĩnh viễn sẽ không biết nhau.

 Cái vật điều hoà đó, chính là Mậu Kỷ nhị thổ vậy. Mậu thổ chủ động, thuộc Dương, Kỷ Thổ chủ tĩnh, thuộc Âm, tịch nhiên bất động là Kỷ Thổ, cảm nhi toại thông là Mậu Thổ vậy. Mậu Kỷ nhị thổ ở Ngũ Đức thì là Chân Tín. Chân Tín ở trong thì Tính định, Chân định mà dùng ngoài thì Tình sẽ hoà. Tính định, Tình hoà, thì Tính Tình sẽ qui căn, như phu thê hợp hoan. Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí qui ư nhất Tín. Tính, Tình, Tinh Thần qui ư nhất Khí. Tam Gia tương kiến, Ngũ Khí triều Nguyên, hoàn Nguyên phản Bản, Kim Đơn ngưng kết. Một tên là Thánh Thai. Thêm vào đó còn có Hướng Thượng công phu, tòng Hữu Vi nhi nhập Vô Vi. Thập nguyệt ôn dưỡng, cố tế lao phong, sưu kỳ Kiện Tình chi thái quá, thiêm kỳ Thuận Tính chi bất cập. Dùng Thiên Nhiên Chân Hoả, chiêu Truân, mộ Mông, đoàn tận hậu thiên Âm Khí. Vô chất sinh chất từ Vi đến Hiển, Khí túc, Thần toàn, phích lịch nhất thanh, Kim Thuyền thoát xác, thân ngoại hữu thân, công thành danh toại, triêu Bắc khuyết mà tường loan bay lượn, bạch nhật phi thăng, thành Thuần Dương bất tử chi Tiên Thiên. Chẳng phải vui sao? Ôi!

 

Bản Lai Chân Tính ấy KIM ĐƠN.

Tứ tượng làm lò luyện thành đoàn, 

Hiểu ra lập tức siêu thánh vị,

Mê thời vạn kiếp sẽ luân hồi.

Người giỏi giang há không gắng công sao?

 Bài 4

Phép này vừa Diệu lại vừa Chân,

Đều vì ta khác với thế nhân.

Tự hay Điên Đảo do Ly Khảm,

Ai biết phù trầm, định Chủ Tân.

Kim Đỉnh muốn gìn Nhân Tâm vẹn,

Ngọc Trì phải biết có Đạo Tâm.

Thần công vận hoả chưa nửa buổi,

Thâm Đàm đã hiện Nhật nhất luân.

Muốn tu luyện Đơn Đạo, thì Tính Tình phải hợp nhất, Ngũ hành phải toàn vẹn, mới có thể thành công. Nhưng dược vật thì dễ biết, mà Hoả Hầu thì rất khó. Hoả Hầu là pháp trình tu luyện vậy. 

Ly là Hoả, ngòai trống, trong mái. Mái bên trong là Chân Âm, ở nơi con người là Linh Tri, tàng trong Nhân Tâm. Nhân Tâm mà động thì Linh Tri bay mất, như lửa bay lên vậy.

Khảm là Thuỷ, ngoài tối, trong sáng, Sáng bên trong là Chân Dương, ở nơi con người là Chân Tri, có đầy đủ Đạo Tâm. Đạo Tâm mà tối thì Chân Tri sẽ tàng ẩn. Như nước chảy xuống dưới vậy.

Dùng điên đảo là Sinh Đạo Tâm, mà định Nhân tâm.

Đạo Tâm mà sinh, thì Chân Tri sẽ cương kiện, và Tinh Nhất chi thuỷ sẽ đi lên. Nhân tâm mà định thì Linh Tri sẽ nhu thuận. Và Lửa kháng táo (cháy mạnh) sẽ hạ xuống. Thuỷ thượng hoả hạ, thì Thuỷ Hoả sẽ tương tế.

 Linh Tri là Tính mà Tính thuộc Mộc. Mộc tính Nhu, dễ nổi.

Chân Tri là Tình mà Tình thuộc Kim. Kim tình Cương, dễ chìm.

Linh Tri phù (nổi) mà lấy dụng sự làm chủ, trong Chân có Giả, Chân tri phù (nổi) mà bất trương là Khách. Giả lại hãm Chân, thế là Thuận Hành vậy.

Định Chủ Tân là lấy Tình của Chân Tri làm Chủ, làm cho cái gì Chìm ở dưới lại nổi lên trên, lấy Tính của Chân Tri làm Tân, làm cho cái gì Nổi bên trên lại Chìm xuống dưới, Chủ Tân phản phúc, và Kim Mộc tương hợp vậy. Thuỷ Hoả giao, Kim Mộc hợp,

Đạo Tâm kiện, Nhân Tâm thuận, Chân Tri, Lương Tri hợp nhất, Tính Tình tương đầu, Kim Đơn làm sao mà không ngưng kết. Cái thứ Chân Chước Diệu Pháp này, chẳng có chẳng không. Cái mà người không biết, mà chỉ có một mình biết ra, cho nên gọi là Tự Tri, còn gọi là Ai biết. Người không biết mà tự mình biết, thì là Đạo cơ (Ăn cắp cơ trời) thiên hạ chẳng biết, chẳng hay, đó là Đạo. Có Tiên Hậu, có Nhanh Chậm. Nếu không biết cái diệu dụng của Trước Sau Nhanh Chậm. Nếu có biết Dược Vật, thì Điên Đảo nan thi, chủ khách bất định, cho nên sau tiếp thêm: Kim đỉnh dục lưu châu lý hống, Ngọc trì tiên hạ thuỷ chung ngân.

Kim là Kim Cương chi vật, Ngọc là Ôn Nhu chi vật, Đỉnh là đồ luyện thuốc, Trì là đồ Dưỡng Hoả. Kim Đỉnh Ngọc Trì là dụ Tu Chân chi Đạo, lấy Cương Nhu làm thể.

Nhân Tâm thuộc Ly. Ly vốn là có Kiền Thể, tức là Kim Đỉnh vậy. Có đủ Địa Nhị Hoả đó là Linh Tri. Đó là Khôn Gia Nhu Thuận trung chính chi vật, đó chính là Bản Lai chi Lương Năng vậy. Nhân tâm vốn dĩ là không không, động động, hư linh bất muội. Nhân vì giao với Hậu Thiên thức thần, tá Linh sinh Vọng, kiến cảnh khởi trần, tuỳ gió nổi sóng, không có khi nào ngưng nghỉ, như Châu lý chi Hống, gặp lửa thời bay, rất khó giữ lại. Tham Đồng Khế vì thế gọi là Thái Dương Lưu Châu, thường muốn lìa xa người,

Đạo Tâm thuộc Khảm. Khảm vốn là thể của quẻ Khôn, là Ngọc Trì vậy. Trong chứa Thiên Nhất chi Thuỷ nên gọi là Chân Tri. Đó là Kiền Cung Cương Kiện Trung Chính chi vật, đó là Bản Lai chi Lương Tri vậy. Nhân vì rơi vào Hậu Thiên, khách khí dụng sự, Chính khí thoái vị, Dương hãm Âm trung, Chân bị Giả che, đắm chìm trong Dục Hải. Lương tri mà đã bị mờ, như Bạc ở trong nước, không còn Vô mà chỉ có chút hữu.

Bạc là Kim loại, là Thuỷ trung Ngân, tức là Vàng mà tàng trong nước.

Cái vàng này ở Tiên Thiên thì là Bản tính chi Lương Tri, ở Hậu Thiên thì là Đạo Tâm chi Chân Tri. Vì là Chân Tri, Chí Cương Chí Kiện, nên ví dụ là Chân Diên. Vì là Chân Tri, có thể thành Tiên, thành Đạo nên gọi là Chân Chủng. Xưa nay thánh hiền đều hái Đại Dược này mà Tu Tính Mệnh.

Nhân Tâm Linh Tri, tuy là dễ động. nếu được Đạo Tâm chân tri chế phục, thì Linh sẽ qui Chân, không còn bay nhảy nữa. Tham Đồng Khế gọi thế là: Cuối cùng được Kim Hoa, sẽ được chuyển hoá. Hoàng Hạc Phú nói: Ly nội thất ban Châu sa, Vô chân chủng tắc thời khắc nan lưu, Thất ban châu sa là: Nước mắt, nước bọt, tinh, tân (nước rãi), khí huyết, dịch.

Thất ban Châu Sa mà bất định, là do Nhân Tâm chi Linh bất định, mà Nhân Tâm chi Linh bất định là do Đạo Tâm bị tổn thất, nên mới bất định. Muốn giữ Nhân Tâm chi Linh Tri, thì phải giữ được Đạo Tâm chi Chân Tri. Chân Tri là Chân Chủng đã giữ được, thì trong có Chủ Tể, không còn bị Tạp Khí đánh lừa, mà Nhân Tâm chi Linh Tri tự nhiên sẽ ngưng kết, không còn tán loạn.

Dùng Đạo Tâm chế Nhân Tâm, dùng Nhân Tâm thuận Đạo Tâm, dùng Chân Tri thống Linh Tri, dùng Linh Tri dưỡng Chân Tri. Cương Nhu tương đáng, Kiện Thuận như nhất, Tính Tình Hoà hợp. Không quá một thời thần, kết thành nhất lạp Viên Minh Bảo Châu, linh quang lãng chiếu. Nhất thiết Âm Tà chi khí, không làm thương tổn được. Cho nên nói: Thần công vận hoả phi chung đán, Hiện xuất thâm đàm Nhật nhất luân.

Thần công là: Thần minh mặc vận, thận độc chi công. Hoả là Chân tri, Linh Tri hợp nhất chi hoá khí. Vận Hoả là: Giới Thận hồ kỳ sở bất đổ, Khủng cụ hồ kỳ sở bất văn: E dè cái mắt không nhìn, Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.

Vận thử Linh Tri Chân Tri, Cương Nhu hợp nhất, không để cho còn một chút bụi bặm vật chất vướng vấn trong tâm khảm mình.

Cái lửa Thần Công đó, như trồng cây nêu xem bóng, như tiếng vang trong núi. Nếu hạ được quyết tâm như vậy, thì không cần đợi đến hết ngày, thì có thể từ Âm Trung phản hồi về Dương, và Âm Khí sẽ tự thoái. Trong bài thơ trên quan trọng nhất là bốn chữ: Dục lưu Tiên hạ. Trong đó mới đầu thì con người bị khống chế, Nghĩa không kịp Khách. Biết vậy sẽ Điên Đảo Âm Dương, Hoà hợp tứ tượng, dễ như trở bàn tay,

Đó là phép Pháp Tượng của Ngoại Đơn, hay Hoàn Đơn. Vì đã đi rồi nay trở lại, đã mất nay trở về, từ ngoài trở lại vào trong, nên gọi là Ngoại Đơn, hay Hoàn Đơn, thế là Nội Đơn. Thế là phân biệt Nội Ngoại Đơn vậy.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đao Lợi Thiên Cung là gì?

Tiên Phật Hợp Tông Ngữ Lục - Cát Vương Chu Thái Hòa hỏi 19 câu

Lữ Tổ Tâm Kinh